TRẦM HƯƠNG - TÍM BIẾC MỘT CÁNH HOA KÈO NÈO
CÁT VŨ
Không được đào tạo nghề viết văn, chưa qua trường ngữ văn, nhưng những tác phẩm của chị đã tạo nên hiệu ứng xã hội mạnh mẽ…
08.3.2016-15:15

Nhà văn Trầm Hương
Lẩu mắm của người Nam Bộ không thể thiếu rau kèo nèo. Loài rau dại này tự mọc, tự lớn, không ai chăm bón nhưng sống mạnh mẽ, vươn cao. Mùi không thơm, vị không thanh mà nhân nhẫn, chát chát, bùi bùi, đi chung với mắm tạo ra một vị ngọt rất đặc trưng và quyến rũ. Màu tím của hoa kèo nèo không đủ nhẹ để gợi lên chất lãng mạn, cũng chẳng quá đậm để kéo theo niềm u uẩn, mà biêng biếc một gam màu giản dị, tưởng như lặng lẽ lại như ẩn chứa nhiều khát vọng. “Những loài hoa gợi nhớ những số phận” - nhà văn Trầm Hương đã viết như vậy trong tập truyện ngắn Hoa kèo nèo tím biếc vừa được xuất bản. Và cuộc đời chị cũng phảng phất ít nhiều màu tím biếc của loài hoa kèo nèo dung dị ấy.
Chân lội ruộng, đầu bay với văn chương
Trầm Hương là ái nữ thứ bảy trong gia đình có mười người con của một thầy giáo làng ở xã Lộc Thuận, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Vốn là một học sinh giỏi toán, lại thể theo nguyện vọng của... cha, Trầm Hương ghi danh thi ngành y nhưng kết quả lại được tuyển vào khoa trồng trọt (Đại học Cần Thơ). Tốt nghiệp, cô tân kỹ sư được đưa về huyện làm ở trạm bảo vệ thực vật. Ngày ngày ra ruộng, dầm mưa dãi nắng, cô không thấy yêu cây trồng bằng cảm thương cho số phận người nông dân. Họ quá nhỏ nhoi, cam chịu trước những trói buộc bất hợp lý trong các hợp đồng sản xuất, trước thái độ quan liêu, cửa quyền của cán bộ địa phương. Đau với nỗi đau của họ, cô kỹ sư trẻ bỗng như nghe thấy một tiếng gọi khác dội lên từ trái tim nhạy cảm của mình.
Các nhân vật trong những tác phẩm văn học mà cô từng nghiền ngẫm say sưa suốt một thời sinh viên ở thư viện Trường Đại học Cần Thơ như đang dần hiện ra trong tâm trí cô một cách sống động. Dù họ là ai, dù họ ở đâu thì qua những trang viết của nhà văn, số phận của họ cũng được người đọc chia sẻ. Và sự thôi thúc được sẻ chia đó đã khiến cô kỹ sư nông nghiệp, ban ngày lội ruộng, đêm đêm chong đèn mày mò tập viết. Những nỗ lực rồi cũng được đền bù, ấy là khi truyện ngắn Người tạc tượng (1985) được Tạp chí Văn nghệ Quân đội đăng tải, đánh dấu bước đi đầu tiên của Trầm Hương trên con đường văn học. Sau ba năm trả nợ bằng cấp, Trầm Hương thấy đã đến lúc phải giã từ những cánh đồng ngập nước ở quê nhà để bươn theo tiếng gọi mênh mang của chữ nghĩa. Chị ra đi với hành trang trĩu nặng nỗi đau của người nông dân để rồi hai năm sau, tiểu thuyết Thị trấn không đèn được phát hành như món quà của người con tha hương gửi về dâng tặng. Tác phẩm như chỗ dựa tinh thần nên bà con quê chị đã rủ nhau chụm đầu lại nghe khi tiểu thuyết được đài phát thanh chọn đọc.
Trong gần ba năm làm phóng viên truyền hình ở Vũng Tàu, Trầm Hương cũng đã không ngừng viết truyện ngắn. Ban ngày làm việc cơ quan, đêm đến, thay vì lao vào những thú vui giải trí như những bạn đồng trang lứa, Trầm Hương lại cặm cụi trên bàn viết, gò mình vào kỷ luật, lắm lúc tưởng như bị cô độc, lập dị. Nhưng phải đến khi tiểu thuyết Người đẹp Tây Đô xuất hiện, với việc bộ phim truyền hình dài tập đầu tiên cùng tên của TFS do chị viết kịch bản được phát sóng, Trầm Hương mới thật sự được công chúng rộng rãi biết đến. Nhớ lại những ngày ấy, chị cũng ngạc nhiên về sức chịu đựng của mình, vượt qua được cái nóng hầm hập ở căn gác mái tôn thuê trên đường Lê Văn Sỹ (Q.3), nung mình trong nhiều tháng liền để viết. Chính cuộc đời cao đẹp, đầy sóng gió của bà Lâm Thị Phấn - nguyên mẫu nhân vật Bạch Cúc trong Người đẹp Tây Đô - đã cuốn hút chị. Mười năm trước, khi còn là sinh viên Đại học Cần Thơ, được may mắn gặp bà tại nhà, chị đã ước gì mình có thể là nhà văn để viết về cuộc đời bà. Bây giờ, khi đã xác định con đường văn chương trước mặt, chị liền chọn bà “mở hàng” cho bước ngoặt mới trong nghiệp viết của mình: trở thành người chuyên dựng lại chân dung phụ nữ anh hùng trong chiến tranh. Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, nơi chị vừa được về công tác chính là chiếc đòn bẩy, giúp chị bay vào thế giới thực của những con người huyền thoại ấy.
Viết văn, viết kịch bản phim, viết báo, trong hơn 15 năm qua, Trầm Hương đã gọi dậy rất nhiều những số phận anh hùng bị lãng quên hoặc ít người biết tới, đáp trả phần nào những hy sinh của họ dành cho dân tộc, đất nước. Chị nói, chị đặt cây bút xuống trang giấy như gõ một cánh cửa và may mắn là được xã hội mở lòng, cùng góp tay chia sẻ. Một ngôi mộ bị vùi lấp theo năm tháng của thân mẫu danh nhân Hồ Huấn Nghiệp được cải táng đưa về nghĩa trang gia đình; một chị Phan Thị Tiết, con gái bà mẹ anh hùng Phan Thị Chạy, sống quá nghèo khổ trong căn nhà rách nát được Công ty Du lịch Phú Thọ xây dựng nhà tình nghĩa; một mẹ Ngọc Ngân, 60 năm sau ngày khởi nghĩa Nam Kỳ, ở tuổi 84 vẫn chưa có hộ khẩu TP, một mình chống chọi với bệnh hiểm nghèo trong căn nhà xiêu vẹo, đã được tòa soạn Báo An ninh Thế giới kêu gọi độc giả xây tặng mẹ một ngôi nhà khang trang trong những ngày cuối đời,... Còn và còn rất nhiều những cái gõ cửa như vậy của Trầm Hương đã được xã hội mở lòng góp tay như một cách bày tỏ sự biết ơn của thế hệ sau đối với thế hệ trước. Chị nói: “Sự dấn thân của những người phụ nữ trong chiến tranh và hòa bình khiến tôi khâm phục. Có lẽ vì vậy mà tôi viết nhiều về phụ nữ, giới gần gũi của mình”.
Những gánh nặng trên đôi vai
Trước mắt nhiều người, Trầm Hương là một phụ nữ... không bình thường! Ngày làm phóng viên truyền hình ở Vũng Tàu, chị có một cuộc sống khá thoải mái. Được trọng dụng, lương cao, nhà cửa cơ quan cấp cho,... chỉ còn chờ lấy một anh dầu khí làm chồng nữa là hoàn chỉnh cho “kịch bản” hạnh phúc của một người đàn bà. Nhưng chị đã bỏ tất cả để về TPHCM, bắt đầu một con đường mới mà biết chắc sẽ rất chông gai. Không nhà, không người thân, chỉ có cây bút và một ít bạn bè. Mặc cho thân gái dặm trường, chị vạch rất rõ con đường mình phải đi và bằng mọi cách phải đến đích. Ẩn chứa trong cách nói chuyện sôi nổi với nụ cười má lúm đồng tiền hồn nhiên là đôi mắt sâu đa tình nhưng quyết đoán. Trầm Hương đã “quyết” cho cuộc sống riêng của mình những điều mà ít người phụ nữ bình thường nào dám làm. Đó là sinh con một mình và nuôi con một mình. Chị nói, đã là phụ nữ thì ai cũng khao khát có một gia đình bình thường nhưng nếu phải rơi vào cái bất thường thì phải cố gắng biến thành bình thường. Chị đã nuôi con với đầy đủ ý thức, đã tồn tại như một gia đình một cách đàng hoàng, kiêu hãnh. Có đủ gái, trai. Cô con gái lên bảy của chị đã từng đoạt giải trong cuộc thi tranh thiếu nhi và đang chuẩn bị thi vào khoa piano Nhạc viện TP. Ngẫm lại chuyện mình, chị cho đó là một điều không giải thích được, có chút gì như là định mệnh, như là ngây thơ, như là lãng mạn... nhưng niềm hạnh phúc được làm mẹ của hai đứa con ngoan đã khiến chị không hề hối tiếc.
Thời khóa biểu của một người mẹ viết văn vừa là công chức của chị như sau: “Sáng thức dậy lúc năm giờ, huơ vài động tác thể dục, vệ sinh cá nhân, lo cho con ăn sáng, trang điểm tí chút, đưa con tới trường rồi quay lại cơ quan. Nữ nhà văn phải làm tròn nhiệm vụ của một công chức: họp giao ban, đọc nhanh vài mẩu tin trên báo, đi gặp gỡ nhân chứng, tìm tư liệu, ăn trưa ở quán ăn nhanh rồi chạy về cơ quan tìm một chỗ ngả lưng, 15 phút sau, lại phải thức dậy..., năm giờ chiều, bà mẹ công chức vội vàng phóng xe hơn 10 cây số về nhà trẻ đón con, tắm rửa cho lũ nhóc, lo bữa tối, dọn dẹp nhà cửa. Cơm nước xong, để không lạc hậu tình hình, nữ nhà văn bật tivi, nghía nửa giờ vào chương trình thời sự trong nước và thế giới. Đêm nào, người mẹ cũng phải dành ra ít nhất nửa tiếng đồng hồ kiểm tra việc học của con. Đến 10 giờ đêm, nhà văn mới được ngồi vào bàn viết. Định viết tác phẩm văn học để đời, chợt nhớ ra tiền sữa, tiền học phí cho con, bèn tự nhủ lòng phải thức suốt đêm cày cho xong bài báo...”.
Vậy mà chị vẫn đều đều ra sách, ra kịch bản phim, gặt hái trên 10 giải thưởng văn chương, lại còn kịp bổ sung thêm cho mình hai tấm bằng cử nhân: báo chí và đạo diễn điện ảnh, và hiện đang theo bậc cao học tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM. Muốn có tác phẩm, người viết phải đi, đi thì phải bỏ cơ quan, bỏ con, nhưng gánh nặng của Trầm Hương không chỉ ở đó mà là ở sự cô đơn trong hướng sáng tác, không ai động viên, ủng hộ, không ai dám đầu tư. Bức xúc trước sự lấn át của phim cổ trang Trung Quốc trên truyền hình, chị đã bỏ công viết 122 tập kịch bản Nhà Tây Sơn với hơn một năm dài lặn lội, nhưng sau khi đọc kịch bản, một vị giám đốc hãng phim bèn nói: “Tìm mấy con ngựa ốm đã khó, huống chi đàn voi. Thôi, quên đi! Cô viết về đời nữ sĩ sóng gió, ba chìm bảy nổi chín lênh đênh với những mối tình chưa được công bố của cô là tôi làm liền. Cái đó dễ lắm!”.
“Cái dễ lắm” đó Trầm Hương bảo rằng chị chưa tâm huyết. Điều chị trăn trở vẫn là khơi dậy những trầm tích lịch sử được kết tụ bởi hàng triệu cuộc đời anh hùng vô danh. “Hiện thực có quá nhiều con người bình thường làm nên những điều phi thường. Sứ mạng của mình là ghi lại, viết lại mà làm không nổi, làm không xứng với tầm vóc thì mình thật vô dụng, thật có lỗi. Vì vậy mà tôi miệt mài đi và viết...”. Nói xong, chị cười, vẫn nụ cười má lúm đồng tiền song đôi mắt dường như đã bớt đi chất trong xanh của ngày mới cầm viết.
5.2005
nguồn: nhavantphcm
|