DIỄN ĐÀN VĂN NGHỆ
 
LẤY CHỒNG THƯƠNG BINH

                                                             Chùm truyện mini của Đỗ Ngọc Thạch

 

 

 
Truyện mini là "chuyện nhỏ" nhưng rõ ràng "độ nở" của mini thì lan tỏa đến vô cùng, mang tính "sát thương tâm hồn" rất cao. Lại là chuyện về thương binh nhân ngày 27/7 nữa. Bichkhe.org xin giới thiệu chùm truyện mini của Đỗ Ngọc Thạnh (TS Mai Bá Ấn)
 

 

 

1. Chuyện của cô Đào

 

 

 

Ông Lê Văn Binh là thương binh chống Pháp. Trong trận đánh đồi A1 ác liệt, anh chiến sĩ Lê Văn Binh chưa tới hai mươi tuổi, bị một viên đạn của quân địch đục một lỗ ở trán rồi chui vào đầu từ lúc nào không hay biết, khiến anh bất tỉnh. Những chiến sĩ cứu thương đưa anh về tuyến sau, nghĩ là anh đã chết, liền đưa anh tới một nhà dân nhờ mai táng. Nhưng đúng lúc gia chủ đào huyệt cho anh thì anh tỉnh lại…

 

 

 

Chỉ sau một tháng, vết thương của anh chiến sĩ Lê Văn Binh đã liền da thịt, nhờ những bài thuốc dân gian của chủ nhà: cái lỗ mà viên đạn chui vào đầu anh Binh đã được một lớp da mới phủ kín, chỉ hơi lõm xuống một chút do hộp xương sọ không chịu mọc thêm để che kín lỗ đạn. Có vẻ như cái đầu đạn kia đã “yên vị” trong não của anh lính trẻ cho nên sức khỏe anh bình phục rất nhanh. Tuy nhiên, anh chàng không còn nhớ được một cách mạch lạc những gì đã xảy ra và ngay cả chuyện mình là ai, anh cũng rất mơ hồ! Tệ nhất là thi thoảng, anh lại “lên cơn”, tuy không đập phá nhưng lại cứ múa hát lung tung và luôn mồm hô “Xung phong”! Những lúc anh chàng Binh “lên cơn” như thế, chỉ có cô Đào, là con gái lớn của chủ nhà, cũng gần hai mươi tuổi, là có thể “cắt cơn” được cho anh!

 

 

 

Được ba tháng, chủ nhà đem anh Lê Văn Binh trả cho Trại an dưỡng thương binh. Nhưng bốn ngày sau, người nhà lại thấy anh Binh đang múa hát ở cổng. Bà mẹ cô Đào thấy vậy thì nói với bố con cô Đào: “Thế này thì thật là lạ? Mấy đêm nay tôi đều thấy Bồ Tát hiển linh báo mộng rằng con Đào sẽ lấy chồng mà chồng chính là cái anh thương binh Lê Văn Binh này!”. Bà mẹ nói xong thì cả ông bố cô Đào và cô Đào đều nói cũng được Bồ Tát báo mộng như thế! Bà mẹ nghi hoặc, liền hỏi riêng cô Đào: “Mọi khi, những lúc “cắt cơn” cho nó, con làm thế nào?”. Cô Đào ngần ngừ giây lát rồi nói: “Con thường ôm chặt lấy anh ta, cho anh ta “bú tý” rồi nắm lấy “chim” của anh ta, làm cho nó cứng lên, thế là anh ta hết điên khùng!”. Bà mẹ lại hỏi: “Sau đó thì thế nào?”. Cô Đào thoáng đỏ mặt rồi nói nhanh: “Làm sao nữa? Thì cũng giống như mẹ với bố đó: giấu “nó” vào chỗ kín!”. Người mẹ chỉ biết nói: “Sao con không nói cho mẹ biết ngay từ đầu!”.

 

 

 

Sau đó, đám cưới của cô Trần Thị Đào với anh thương binh Lê Văn Binh được cử hành rất náo nhiệt. Cô Đào chính là một trong những người mở đầu của cuộc vận động lớn lấy chồng thương binh sau đó của xã Thanh Thủy.

 

 

 

2. Cô Mồng Tơi đã chọn chồng thương binh như thế nào?

 

 

 

Sau đợt đầu của cuộc vận động lấy chồng thương binh ở xã Thanh Thủy, đã có sáu anh thương binh được đón về làng ở rể, nhìn chung đều vào loại lành lặn nhất trại an dưỡng và ngày cưới các tân lang đều đẹp trai lồng lộng, ngực lấp lánh huân chương, chẳng khác quan Trạng song hỷ long môn. Như người ta thường nói, “ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau”. Nhưng chuyện lấy chồng thương binh vừa giống chuyện “ăn cỗ” lại vừa giống chuyện “lội nước”, tức chẳng biết đâu là dại đâu là khôn, mà phải nói là “may hơn khôn”. Sau đợt lấy chồng thương binh đầu, ai cũng nghĩ những cô gái đợt này đã lấy hết “đồ tốt”, chắc chỉ còn “đồ thứ phẩm”. Nhưng thực ra chưa hẳn là vậy. Trường hợp lấy chồng thương binh của cô Mồng Tơi là ví dụ điển hình.

 

 

 

Cô Mồng Tơi có tên Mồng Tơi là do nhà cô nghèo “rớt mồng tơi”, đã ba đời nhà cô được xếp hạng nghèo nhất nhì xã Thanh Thủy, bữa ăn chỉ có canh rau mồng tơi là chủ lực. Đợt vận động lấy chồng thương binh đầu tiên, cô Mồng Tơi cũng muốn đi với ý nghĩ, đón người chồng thương binh về, nhà cô sẽ có thêm người, cho dù có què cụt thì cũng làm được việc gì đó, và điều quan trọng là có thêm một khoản tiền trợ cấp thương tật của người chồng thương binh. Song, đợt đó, cả bố và mẹ cô đều lâm bệnh, khiến cô không thể rời ra được.

 

 

 

Tới đợt vận động lấy chồng thương binh lần thứ hai, cô Mồng Tơi ghi tên đầu tiên. Khi cô Mồng Tơi tới trại an dưỡng thương binh, người ta đẩy ra mười cái xe lăn, trên xe là mười anh thương binh đều bị cụt chân, có người cụt cả hai chân. Nhìn mười người thương binh đang ngồi trên xe lăn, cô xúc động muốn khóc. Phải đến mười phút sau, cô mới lấy lại bình tĩnh và nhớ lại mục đích đi lấy chồng thương binh của mình. Cô nói với hai cô y tá đã đưa mười người thương binh này tới cho cô “chạm mặt”: “Việc quyết định chọn ai của em rất đơn giản, các chị nói với họ là ai làm cho em “thích” nhất thì em xin đón về làm chồng!”. Lần lượt cả mười người đều được “thử thách”, song phải đến người thứ mười thì cô Mồng Tơi mới reo lên: “Thích quá! Thích quá!”…

 

 

 

Người thương binh thứ mười này, có sự trùng hợp là anh ta cũng tên là Mười, Phan Văn Mười. Anh Mười vốn là con thứ mười của một Lương y, cũng được truyền nghề bắt mạch khám bệnh, kê đơn bốc thuốc. Thì ra anh chàng Mười đã điểm “huyệt thích” của cô Mồng Tơi, khiến cô không thể không reo lên “Thích quá! Thích quá!”. Sau khi được cô Mồng Tơi đón về làm chồng, anh thương binh Phan Văn Mười đã mở phòng mạch ngay tại xã Thanh Thủy, và phải nói rằng Lương y Mười rất “mát tay”, chữa được cả những bệnh nan y cho nhiều người trong xã. Đương nhiên, cuộc sống của cô Mồng Tơi không còn “nghèo rớt mồng tơi” như xưa nữa…

 

 

 

3. Người vợ thủy chung

 

 

 

Cô thôn nữ có tên Hiếu Hạnh cưới chồng được đúng một tuần thì anh Hùng, chồng cô lên đường nhập ngũ. Người chồng ra đi là biệt tích luôn, năm năm trôi qua, đứa con trai đã lên năm tuổi mà không thấy một lá thư gửi về cho hai mẹ con. Người mẹ trẻ chờ đợi mỏi mòn, đến khi nhận được tin đầu tiên thì lại là cái giấy báo tử. Vì quá thương cảm, người mẹ trẻ đã khóc đến mù cả hai con mắt. Tuy nhiên, Hiếu Hạnh có cảm giác chồng cô vẫn chưa chết mà chỉ bị thương và có lẽ vì thương tật quá nghiệt ngã mà không muốn đem gánh nặng về cho vợ con.

 

 

 

Thời gian vùn vụt trôi đi, người mẹ trẻ đã không còn trẻ nữa. Có người của trại an dưỡng đến làng chị Hiếu Hạnh vận động lấy các cô gái chồng thương binh. Hiếu Hạnh nghe tin ấy thì nghĩ, chồng ta hẳn là đang trốn ở một trại an dưỡng thương binh nào đó, bèn hỏi người đi vận động: “Những người cũng thương tật như tôi có thể hưởng ứng được không?”. Người đi vận động nhìn Hiếu Hạnh, thấy chị tuy bị mù nhưng cơ thể còn rất khỏe mạnh và tràn trề nữ tính thì nói: “Chị bị mù thế này thì khó mà đi chọn chồng, vậy để tôi đặc biệt tìm cho chị một người chồng vừa ý!”. Nói rồi người kia về về trại an dưỡng, nói với anh thương binh Hùng chuyện có một người góa phụ, bị mù muốn lấy chồng thương binh, như thế, như thế… Nghe xong chuyện, anh thương binh Hùng nghĩ ngay đó chính là Hiếu Hạnh, người vợ trước đây của mình. Thì ra, chỉ nhập ngũ được nửa năm thì anh chiến sĩ Hùng lâm trận và ngay lập tức đã bị thương với vết thương quái ác: toàn bộ phần mặt của Hùng bị cháy bỏng bởi bom Na-pan. Sau khi điều trị, người ta lấy những miếng da ở đùi anh vá lên mặt khiến bộ mặt anh trở nên dị dạng, nhìn rất dễ sợ. Vì thế, anh thương binh Hùng đã nhờ người ta gửi giấy báo tử về cho vợ, với mục đích “giải phóng” cho vợ đi lấy chồng khác, khỏi phải gặp lại người chồng có bộ mặt gớm ghiếc này!... Sau khi nghe chuyện “kiếm chồng” của Hiếu Hạnh, anh thương binh Hùng rất hối hận vì hành động “bỏ trốn” của mình và ngay lập tức đã trở về “tạ tội” với chị Hiếu Hạnh. Gặp lại chồng, Hiếu Hạnh xúc động “nhìn” bằng tay khuôn mặt dị dạng của Hùng mà nói trong nước mắt: “Kỳ thật! Đây là miếng da ở bẹn của anh mà người ta ghép được lên mặt thì tài thật!”. Hùng ngạc nhiên hỏi: “Làm sao mà em biết như vậy?”. Hiếu Hạnh cười nói: “Thì suốt cả tuần trăng mật, bàn tay em có lúc nào rời nó, cho nên nó chạy tới đâu em cũng tìm ra!”…

 

 

 

Sài Gòn, ngày 20-7-2011

 

Đỗ Ngọc Thạch

 

Các bài khác:
· NHỮNG KẺ LẠC LOÀI TỪ TRUYỆN NGẮN XUÂN DIỆU ĐẾN TIỂU THUYẾT BÙI ANH TẤN
· VỀ BẢN CHẤT CỦA NGHỆ THUẬT
· HAI MÔ HÌNH VẬN HÀNH LÝ THUYẾT TRONG PHÊ BÌNH VĂN HỌC VIỆT NAM
· NHỮNG KỶ NIỆM CỦA TÔI VỀ VĂN HỌC MIỀN NAM
· VÀI NÉT VỀ NHÀ NGHIÊN CỨU LẠI NGUYÊN ÂN
· THƯ GỬI BẠN VIẾT HUYỀN MINH
· TRUYỆN KIỀU - MỘT TÁC PHẨM VIỆT NAM
· CUỘC GẶP GỠ CẢM ĐỘNG GIỮA CHỦ TỊCH NƯỚC VÀ NHÀ VĂN SƠN TÙNG
· THƠ VIỆT - NGHĨ VÀI ĐIỀU KHI VỌNG NHÌN TỪ 2010 ĐẾN NAY
· LÊ VĂN TRƯƠNG - NGHỊCH LÝ TRONG ĐỜI
· THƯƠNG LẮM, HẢI KỲ ƠI…
· PHÊ BÌNH ĐỪNG LÀM NHỤT CHÍ NGƯỜI SÁNG TÁC
· TRƯỜNG HỢP RA ĐỜI CỦA TẠP CHÍ NAM PHONG
· BẾN ĐỢI NHỌC NHẰN
· VI THÙY LINH - TÔI HẲN NHIÊN THỪA NỮ TÍNH
· NGUYỄN DUY: NGƯỜI LÃNG DU SỐ MỘT
· TRƯỜNG - CA CA…
· THANH TÙNG - BỤI ĐƯỜNG VÀ NỖI ĐAM MÊ
· NGUYỄN VĂN HỌC: CHÍNH DANH VÀ 'HỖN DANH'
· NHÀ PHÊ BÌNH TRONG THỜI ĐẠI “TÁC GIẢ ĐÃ CHẾT”

 

  
Gia đình Bích Khê   
pulse x coin price avanafil 100 mg prezzo buy cialis or generic tadalafil