'KHÚC HÁT THÀNH CỔ LOA' - VẺ ĐẸP VÀ CHIỀU SÂU TÂM TƯỞNG
Hữu Thỉnh
Anh đã có một độ chênh cần thiết cho những bài thơ của mình. Độ chênh của tâm trạng. Điều đó xếp anh thành một kiểu nhà thơ riêng. Và anh đã phải trả giá. Anh bắt đầu đời thơ của mình với vai một người lính bị bắt cóc. Lúc nào anh cũng có thể bị đưa ra toà án binh nếu bị bắt quả tang cố tình bắn chệch mục tiêu. Anh đã nhiều lần làm việc đó và may mắn không bị phát hiện. Anh tự cứu mình. Trước mắt anh khi đó, Việt Nam chưa phải là tên các loại cây, các ngọn núi, các món ăn, những điều kiêng kỵ. Trước mắt anh là những con người. Nhớ mẹ mà buộc phải xả súng vào những người mẹ ư ? Nhớ nhà mà phải thiêu trụi những ngôi nhà ư? Anh lặng lẽ vén mặt những nghịch lý. Và anh bắt đầu làm những cuộc phản chiến nho nhỏ, cố tình bắn chệch mục tiêu…

Với độ chênh đó, anh trở lại Việt Nam, sau khi im tiếng súng. Điều làm anh ngạc nhiên đầu tiên, tại sao ở đây có nhiều chùa đến thế? Ấy là chưa kể nhiều ngôi chùa đã bị bom giặc phá huỷ. Và anh đã cúi đầu quá mức cần thiết để bước qua cửa các ngôi chùa. Tình thương ở đâu cũng cần được cung kính. Và anh đã gặp và làm thơ về những nạn nhân chất độc đi-ô-xin, về những người xúc cát ở Huế, những người quét rác ở Hà Nội. Anh đã phát hiện ra, cả Việt Nam là một ngôi chùa lớn. Trên bệ thờ của ngôi chùa lớn đó, là những người sẵn sàng chết vì một lòng tốt bình thường.
Thơ Kevin Bowen bất thường khi viết về những cái bình thường. Những bài thơ thường bắt đầu bằng những cuộc giao tiếp. Rời căn nhà ở Boston đến Việt Nam, anh đã đi từ nền văn hoá này sang nền văn hoá khác, từ một số phận này đến những số phận khác. Anh đã cố gắng học tiếng Việt để tìm ra một cánh cửa. Anh tiến bộ hơi chậm cũng như tôi đối với tiếng Anh. Nhưng không sao. Là nhà thơ, anh có thể tìm ra nhiều cánh cửa khác. Anh đã nhiều lần đến Việt Nam, vừa là người thám hiểm văn hoá, vừa là cựu chiến binh trở lại chiến trường xưa, vừa là một người bạn thăm lại những người bạn cũ. Đối với anh, Việt Nam là một lâu đài cất giấu nhiều báu vật. Một trong những báu vật đó là khả năng đánh thức hồn thơ của anh.

Bây giờ thì những bài thơ ấy đang trên tay chúng ta. Tôi đã đọc nó, tại những địa điểm, những thời gian, những tâm trạng khác nhau, cốt để đa dạng hoá sự tiếp nhận. Thơ Kevin Bowen có vẻ đẹp chung là sự dung dị, một sự dung dị sau khi đã quá hiểu thế nào là sự nguy hiểm của bệnh khoa trương. Anh cứ điềm nhiên kể chuyện, vì anh tin rằng câu chuyện của anh là một thông điệp tối khẩn, không nói ra không được và cần được làm sống lại bằng giọng điệu ấy, ngôn ngữ ấy mà không phải bằng bất cứ thứ gì khác. Là nhà thám hiểm văn hoá, anh luôn là người phát hiện. Những phát hiện đó không phải là thủ pháp lạ hoá thông thường, mà chính là sự tự soi rọi, tự hoá thân.
Mỗi chúng ta đã ngạc nhiên
Với những vái lạy của những người bước ra từ rừng núi.
Đích thị đây là người đến từ một chân trời khác. Là người Việt, chúng ta quen sống trong lễ vái từ nhỏ, không ai còn thấy ngạc nhiên trước cử chỉ của lòng thành kính. Với Kevin-nhà-thơ, nó thành ra một sự chấn động. Với Kevin-cựu-chiến binh Mỹ, nó thành sự giật mình ám ảnh.
Họ nghĩ gì về chúng tôi
Những cụ bà nhìn chúng tôi qua khoảng trống
Xuyên thấu thân xác những đứa con đã mất
Trong cuộc chiến ngày xưa?
Thảng thốt đó, giật mình đó là rất nhiều, rất nhiều trong tập thơ này. Mở đầu bài viết này tôi nói anh có một độ chênh của tâm trạng là vì thế. Với người làm thơ, độ chênh của tâm trạng là một lợi thế. Nó là cái bến của một con tàu. Nói theo ngôn ngữ nhà Phật, nó là cái duyên. Không có nó, nhà thơ thành kẻ tay không.
Nói về thơ là nói về thế giới của những điều bí ẩn. Có những cái ta hiểu được, có nhiều cái ta chưa hiểu được. Có cái giải thích được, có nhiều cái ta chỉ cảm nhận được mà không thể giải thích được. Thơ Kevin Bowen là thứ thơ đạm, thường bắt đầu như không có gì đặc biệt cả. Thế rồi, dần dà, đọc tiếp những dòng sau, ta sẽ bắt gặp những chớp sáng, những phát hiện bất ngờ, những liên tưởng đột biến, để đến cuối bài thì toàn bộ ý tưởng của nhà thơ được phát lộ hoàn toàn, nâng bổng bài thơ lên. Tôi tạm gọi đây là thủ pháp tự phát sáng. Đoạn thơ sau đây tiêu biểu cho phong cách Kevin Bowen"
Trên con đường ven hồ
Những người đàn bà lặng lẽ quét rác
Và gió làm tung lên từng lớp
Sương mù sau lưng họ.
Quá đẹp, bạn chỉ có thể ngắm nhìn
Những vị Thánh giáng trần
Đang hoá thân vào
Những ngón tay quét đường của họ
(Phố Hai Bà Trưng)
Không ai có thể nghĩ đây là mỹ lệ hoá hiện thực. Kevin không thuộc cái tạng đó. Anh muốn biểu tượng hoá. Qua đó, người quét rác đã hoá thân để sắm một vai khác mang tính triết luận của cuộc sống.
Và đây, đoạn kết của bài thơ "Dòng sông nhạc"
Một ca sĩ hát hay đến nỗi
vầng trăng có thể chết
trên vai cô.
Và đây nữa, Kevin khép lại bài thơ "Ở Đông Hà" như sau:
Ở một nơi nào đó một kíp nổ được châm ngòi
Một bài học trong sợ hãi
Còn lại một cuộc chiến khác
Con rắn tự cắn đuôi mình
Như tự bào chữa cho chính nọc độc của nó.
Thơ hay giúp ta soi chiếu nhiều chiều. Ở đây, Kevin vừa cho ta thấy điều anh cần nói vừa cho ta thấy thế giới tâm hồn anh. Vẻ đẹp của ngôn ngữ ở đây phải nhường bước cho vẻ đẹp và chiều sâu của tâm tưởng. Kevin Bowen là như thế. Người anh là một khối chắc nịch của sự chân thành. Một người đàn ông không phải rút lại lời nói của mình ở bất cứ đâu. Đây là một thu hoạch sau nhiều năm gặp gỡ, sau những ngày được sống trong căn nhà của anh. Căn nhà đó đã rộng mở đón những nhà văn cựu chiến binh Việt Nam, nhiều bạn bè từ các quốc gia khác. Tôi gọi đùa đó là "ngôi nhà quốc tế". Kevin cho ta cảm giác an tâm và tin cậy. Còn vợ anh, chị Leslie, là điển hình của phụ nữ biết làm sang cho chồng. Trên chiếc sân rộng, nơi mà ánh nắng buổi chiều thường nấn ná ở lại lâu hơn ở bất cứ đâu, ở đó có một chiếc bếp nướng ngoài trời, có cột bóng rổ, có miên man cỏ, có rất nhiều hoàng hôn. Tôi nhớ một chùm chuông gió trước hành lang, nhớ bàn thờ có cờ Việt Nam, ảnh Cụ Hồ, nón lá và rất nhiều kỷ vật mang về từ "xứ sở của Việt cộng". Tất cả những thứ đó minh hoạ đẹp đẽ cho tập thơ này, một tập thơ trọn vẹn cho Việt Nam.
Một đất nước có quá khứ của anh, có tình yêu của anh, nay lại có thêm thơ của anh như những cánh bướm đậu xuống núi Bà Đen - chứng tích bất diệt của những điều kỳ vĩ.
Hà Nội, 9/3/2011
Nguồn: VanVietnam.net
|