DIỄN ĐÀN VĂN NGHỆ
 
THƠ NGUYỄN TRỌNG TẠO-ĐỔI MỚI TỪ TRUYỀN THỐNG

                                                                                     VŨ THỊ THÙY HƯƠNG

Đổi mới là yếu tố sống còn của nghệ thuật. Để tránh sự lặp lại chính mình, nhà thơ phải biết tự làm mới mình qua mỗi bài thơ, mỗi giai đoạn sáng tác và những đề tài quen thuộc. Trong nỗ lực cách tân, đổi mới thơ Việt sau 1975, chúng ta đã chứng kiến một sự thay đổi hết sức đa dạng, phong phú từ phong cách đến giọng điệu.

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo - Ảnh Trần Định

 

Người ta không còn thấy lạ khi bên này là những nhà thơ đắm mình trong văn hoá truyền thống và bên kia là những cách tân theo kiểu phương Tây; bên này là những nhà thơ có ý thức bày tỏ cảm xúc mãnh liệt và bên kia là những cây bút tỉnh táo giấu kín cảm xúc của mình… Dù nhà thơ tìm đến sự đổi mới theo hướng nào cũng đáng trân trọng, bởi đó là khát khao của những người thực sự muốn đưa thơ Việt Nam bứt phá khỏi những vòng quay cũ kỹ, gia nhập vào nhịp sống văn chương hiện đại của thế giới. Tuy nhiên, thành công hay thất bại của những cách tân ấy còn lệ thuộc vào tài năng và bản lĩnh của mỗi người nghệ sĩ.

Là một thi sĩ sớm có ý thức đổi mới, Nguyễn Trọng Tạo quan niệm: “Tôi kính nể các nhà thơ cổ điển. Nhưng lớp nhà thơ sau không nên hướng tới họ, mà nên hướng tới chính mình. Có như vậy mới có thể hy vọng mình sẽ trở thành nhà cổ điển trong tương lai”(1). Anh cũng thấu hiểu một cách sâu sắc, rằng, đổi mới trong thơ bao giờ cũng là sự đổi mới đồng bộ giữa cái nhìn nghệ thuật của nhà thơ và ngôn ngữ, giọng điệu thơ. Trong thơ, chữ cũng chính là tư duy, là cách nói và thái độ nghệ thuật của chủ thể sáng tạo. Không còn cách nào khác, tư cách nhà thơ chỉ có thể “đo ướm bằng sự toả sáng của chữ”. Nhưng Nguyễn Trọng Tạo không làm mới thơ mình bằng những hình ảnh tân kỳ, những thủ pháp cắt dán, đồng hiện xa lạ từ phương Tây như trường hợp Dương Tường, Lê Đạt, Hoàng Hưng… vì với anh “nếu có đọc thơ Tây cũng là một cách mở rộng, tham bác cho cái chất nhà quê vừa gắn với cổ điển, vừa đáp ứng được nhu cầu hiện đại” (Nguyễn Đăng Điệp). “Cái chất nhà quê” ấy vốn là yếu tố quan trọng nhất làm nên dải phổ cảm xúc thơ Nguyễn Trọng Tạo, cho phép anh lựa chọn một hướng cách tân khác, cách tân trên nền cổ điển. Trên nền cổ điển, ta gặp thơ Hữu Thỉnh tinh tế, mới mẻ trong cái duyên của những làn điệu dân ca Bắc Bộ; ta cũng gặp trong thơ Nguyễn Duy cái nhìn tinh quái của ca dao. Nguyễn Trọng Tạo lại đem vào thơ nét riêng của giai điệu ví dặm và “cái chất nhà quê” thực thà, chân tình, ấm áp.

Có thể thấy, đề tài trong thơ Nguyễn Trọng Tạo là những lay động muôn thuở trong tâm hồn con người nhưng vẫn gợi lên những cảm xúc mới mẻ ở người đọc. Cái mới có lẽ ở sự chuyển tải thành công suy nghĩ và tâm tính của người hiện đại. Cũng là tình yêu, nhưng cái tình yêu mộc mạc, giản dị, tình tứ trong thơ Nguyễn Bính “Thương nhau qua cửa tò vò nhìn nhau” hay nồng nàn, mãnh liệt như Xuân Diệu “Anh nhớ tiếng, nhớ hình anh nhớ ảnh. Anh nhớ em! Anh nhớ lắm em ơi”… cũng khác nhiều lắm nếu so với cách diễn tả tình yêu của Nguyễn Trọng Tạo:

Em cỏ khát. Ta mưa rào đầu hạ
cỏ uống mưa run rẩy
cỏ đang thì
mưa rào đến rồi đi
cỏ xanh niềm ngơ ngác
ta biệt em
lớ ngớ chẳng hẹn gì.
(Cỏ và mưa)

Nhiều người đặc biệt yêu thích bài thơ này của anh. Không chỉ bởi chất nhạc như một thứ hương thơm tự nhiên ngân nga, lan tỏa mà còn bởi trong khoảnh khắc của 34 con chữ, một câu chuyện tình yêu với những cung bậc cảm xúc đối lập, xung khắc được diễn tả bằng giọng điệu ngu ngơ của “Người Ham Chơi” (như cách gọi của Hoàng Phủ Ngọc Tường). Đến đây, có thể mượn cách nói của nhà thơ trẻ Mai Linh để cắt nghĩa thêm về Nguyễn Trọng Tạo: “Thơ anh rất hay, một thứ thơ sáng tạo, rất đúng với tư duy của thế hệ chúng tôi. Để thấy thơ anh sống được nhiều thời. Một thứ thơ truyền thống” (2)

Tất nhiên, truyền thống không có nghĩa là chỉ có “chân chân chân, thật thật thật” mà còn có cả phần mờ ảo tâm linh, có cả màu sắc tượng trưng, siêu thực. Siêu thực là một trào lưu để lại những ảnh hưởng sâu sắc và quan trọng bậc nhất đối với thi ca hiện đại thế giới. Xavier Darcos, nhà nghiên cứu người Pháp, khẳng định: hầu hết các nhà thơ lớn của thế kỷ XX đều đã ít nhiều ghé qua bến bờ siêu thực. Nguyễn Trọng Tạo cũng ít nhiều chịu ảnh hưởng của trào lưu này, song anh không để cho vô thức điều khiển ngòi bút của mình như một số nhà thơ đi vào lối viết tự động. Nguyễn Trọng Tạo đi sâu vào những vùng mờ tâm linh để khơi sâu, để mở rộng cõi thơ của mình. “Có những bài thơ được viết vào lúc 2, 3 giờ sáng, lúc đó tôi thấy mình thực sự tự do và thoải mái để sống và viết với những nỗi niềm, với cuộc đời” như anh từng tâm sự. Có khi là một bài thơ như thế:

Mưa trắng đường mưa, nắng ngất ngư
Ai đem lụa trải tận xa mờ
Có khi người chết nghìn năm trước
Hồn vẫn bồng bềnh những giấc mơ…

Không chỉ có ý thức đổi mới cái nhìn, cảm xúc, Nguyễn Trọng Tạo luôn luôn có ý thức tạo nên cái “vân chữ” của riêng anh. Trong lời tựa tập Nương thân, Nguyễn Trọng Tạo bộc lộ: “Trên con đường vô định, tôi đã đi tìm thơ gần trọn cuộc đời, để quay về với ngôn ngữ thơ ca nhịp chẵn của dân tộc mình”. Từ sự đam mê nhịp chẵn của thơ dân tộc (khác với nhịp lẻ của thơ Trung Hoa) Nguyễn Trọng Tạo có những cách xoay trở tài hoa trên thể lục bát và đồng dao – hai thể thơ tiêu biểu của người Việt.

Ở thể đồng dao, Nguyễn Trọng Tạo đã biến đồng dao bốn chữ, nhịp hai thành tám chữ nhịp hai:
Có cha/ có mẹ/ có trẻ/ mồ côi
Có ông/ trăng tròn/ nào phải/ mâm xôi

Có thương/ có nhớ/ có khóc/ có cười
Có cái/ chớp mắt/ đã nghìn/ năm trôi
(Đồng dao cho người lớn)
để nói đầy đủ hơn tâm tính, cuộc sống phức tạp nhiều chiều của con người hiện đại.

“Đến hiện đại từ truyền thống”, Nguyễn Trọng Tạo mê lục bát là điều dễ hiểu vì đó là thể loại mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. So sánh với thơ Đường luật ở Trung Hoa và thơ xon-nê ở châu Âu, Nguyễn Trọng Tạo khẳng định: “Thơ lục bát Việt Nam chính là một hình thức đặc sắc độc đáo, không thua kém bất cứ một hình thức thơ đặc sắc nào của các dân tộc khác trên thế giới”. Lựa chọn sự trở về với “ngôn ngữ thơ ca nhịp chẵn của dân tộc”, Nguyễn Trọng Tạo đến với thể lục bát như một cơ duyên tiền định. Đã từng có nhiều cách làm mới thể thơ này nhưng không phải nhà thơ nào cũng thành công như Nguyễn Trọng Tạo. Anh không chỉ làm lạ hoá khuôn hình sáu tám bằng hình thức xuống thang, chấm câu giữa dòng, mà quan trọng hơn, theo anh “việc làm mới lục bát bằng nội dung mới là điều quan trọng”. Quả thực, Nguyễn Trọng Tạo đã thổi một điệu hồn mới, một hơi thở mới cho thơ lục bát. Trong Thư tình gửi người không quen, anh viết:

Như là tôi đã một lần
nói yêu em 
                       dọc mùa xuân
                                                 hai người
thì ở đây, hình thức xuống thang của câu tám không chỉ là cách làm lạ hóa mang tính hình thức mà là hình thức mang tính nội dung, tạo nên hiệu ứng từ cách ngắt nhịp đến sự thay đổi giọng đọc. Và do đó, cảm xúc được truyền trực tiếp từ ý thơ đến người đọc. Người đọc không chỉ cảm nhận được tình yêu có chút dè dặt nhưng sâu lắng của nhân vật trữ tình qua ý nghĩa của ngôn từ mà còn qua ấn tượng thị giác.

Cũng như với thể đồng dao, sự biến đổi của thời đại đã thổi vào những câu thơ lục bát của anh những luồng gió mới. Đó cũng chính là cách cảm, cách nghĩ của người thơ đã hiện hồn vào lục bát.

Như vậy, với Nguyễn Trọng Tạo, việc cách tân không đồng nghĩa với việc phải đập vỡ và tẩy chay truyền thống. Biết nâng niu di sản văn hoá quê hương và cố gắng tạo nên sự “hoà giải” giữa cái cũ và cái mới trong thơ, Nguyễn Trọng tạo đã góp vào thơ Việt đương đại một tiếng thơ quen mà lạ, truyền thống nhưng cũng mang đầy chất hiện đại.

———-
Tài liệu tham khảo:
(1) Nguyễn Trọng Tạo. Văn chương cảm và luận. Nxb Văn hóa thông tin, 1997, tr.255, 270, 271.
(2) Vân Thanh. Nguyễn Trọng Tạo và một thế giới không còn trăng. Evan.com

Nguồn: Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội

 

Các bài khác:
· NGƯỜI ĐÀN BÀ RƯỚC VĂN CAO TIẾN VỀ HÀ NỘI
· NGUYỄN SĨ ĐẠI VÀ 'SẮC TRỜI THU HÀ NỘI'
· THƠ TỐ HỮU - CÒN AI? CÓ AI?
· VĂN HỌC VÀ HIỆN THỰC ĐẤT NƯỚC HÔM NAY
· KHÁM PHÁ CUỘC PHIÊU LƯU CỦA NHỮNG CÁI 'TÔI' KHÔNG THUẦN NHẤT
· VÀI Ý NGHĨ NHÂN HỘI THẢO VỀ TỐ HỮU
· “BẮT MẠCH” THƠ VIỆT NAM HIỆN NAY
· TRUYỆN NGẮN 8X PLUS VÀ SẮC THÁI NỮ QUYỀN
· NGÃ DU TỬ - NHỮNG VẦN THƠ 'SẮC SẮC KHÔNG KHÔNG'
· THANH THẢO VÀ NHỮNG QUAN NIỆM VỀ THƠ
· TẾ HANH - 'CÁNH BUỒM VÔI' ĐI QUA THẾ KỶ
· ĐỌC LẠI TỐ HỮU
· TÔI VIẾT BÀI THƠ 'EM ƠI! HÀ NỘI PHỐ'
· SỐ PHẬN LỊCH SỬ CỦA NỀN LÝ LUẬN VH XÔ VIẾT CHÍNH THỐNG
· MÙA XUÂN CHÍN – MỘT NỐT THĂNG TRONG BẢN NHẠC LÒNG THI SĨ
· VĂN CHƯƠNG MẤT MÙA HAY NIỀM TIN ĐỔ VỠ?
· BÁO ĐỘNG VỀ ĐẠI DỊCH THƠ: GÌ MÀ PHẢI UM SÙM LÊN THẾ?
· 'NHỚ ĐẾN MỘT NGƯỜI: NGUYỄN HIẾN LÊ
· CHÙM THƠ 1.000 THĂNG LONG - HÀ NỘI CỦA NGUYỄN NGỌC HƯNG
· HƯƠNG TRÀ - CHẢNG GIẢNG VIÊN TOÁN LÀM THƠ

 

  
Gia đình Bích Khê