DIỄN ĐÀN VĂN NGHỆ
 
KHÁM PHÁ CUỘC PHIÊU LƯU CỦA NHỮNG CÁI 'TÔI' KHÔNG THUẦN NHẤT

                                                                                    Đoàn Cầm Thi

 
 
 
 

Nhà phê bình văn học Đoàn Cầm Thi (hiện đang sống và làm việc tại Pháp, vừa ra mắt cuốn sách: “Viết Việt Nam đương đại. Chiến tranh, cơ thể, văn học” (sách dày 210 trang, NXB Presses de l’Université Paris Sorbonne). Cuốn sách gồm 2 phần: Phần I : Chiến tranh và văn học hậu cách mạng ;Phần II : Viết Việt Nam trong hòa bình. Phong Điệp đã có cuộc trò chuyện cùng tác giả Đoàn Cầm Thi nhân sự kiện này:

 

 

 

Lấy đối tượng nghiên cứu là văn học Việt Nam giai đoạn 1986 – 2006, nghĩa là 20 năm kể từ ngày thực thi đường lối đổi mới của Đảng, xin hỏi tham vọng của chị trong cuốn sách này là gì?

 

Không phải là một cuốn văn học sử, cuốn sách không có tham vọng nghiên cứu tất cả tác giả, tác phẩm, xu hướng văn học giai đoạn 1986-2006. Tiểu luận này là một cuộc ngụp lặn trong hai thập kỷ văn học Việt Nam, từ những năm cuối của nền hiện thực (xã hội chủ nghĩa) đến buổi mở đầu thiên niên kỷ hậu-hiện-đại. Hai thập kỷ. Nhưng đó chỉ là một cách làm tròn (hơi khiên cưỡng). Tôi không bao giờ quên rằng văn học, cũng như mọi nền nghệ thuật khác, vận hành theo những con đường ngầm. Các thi sĩ như Trần Dần, Lê Đạt, Đặng Đình Hưng không đợi đến 1986 để đổi mới. Từ những năm 1960, thơ của Trần Dần đã tìm cách vứt bỏ cái “tôi” trữ tình. Thế giới của Trần Dần hướng tới phi nhân cách: nó không hiện lên qua trực quan của thi sĩ như trong thơ truyền thống. Vì vậy thơ Trần Dần thoát được chất "truyền cảm", "hình tượng". Nó từ chối "chức năng cao cả" của văn chương: giải thích và cải tạo thế giới. Không ngân nga, du dương, thơ Trần Dần không phải là "thơ quảng trường" - theo chính chữ của ông. Khuynh hướng của một số nhà thơ trẻ hiện nay, theo tôi gần với Trần Dần và những phiêu lưu hậu-hiện-đại hơn là những tìm kiếm của thế hệ ngay trước họ. Cuốn sách này, như thế, cố gắng phác thảo những chuyển động trong bóng tối của văn học Việt Nam đương đại. Nó lưu ý đến những lối đi tắt và những con đường vòng.

 

“Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn học minh họa”, vì sao chị đã gọi  Lời dẫn  cuốn sách như vậy ?

 

Lời trần tình ai oán và sáng suốt của Nguyễn Minh Châu có một vị trí tiên quyết trong văn học thời kỳ này. Hành trình của ông cũng bao gồm những con đường ngầm. Ông không chỉ là tác giả của “Dấu chân người lính”, mà còn có “Cỏ Lau”, “Phiên Chợ Giát”. “Cỏ Lau” có một mở đầu đầy ám ảnh : nhân vật chính dừng lại trước tấm ảnh cũ của mình, nhìn người đàn ông đã từng là mình, nói về anh ta như một kẻ không quen. Nó làm người ta nghĩ đến “Người xa lạ” của Camus. Con mắt ngày hôm nay đặt lên bức ảnh ngày xưa đó, báo trước một cuộc phân thân đầy đau đớn của một kẻ, sau ba mươi năm chinh chiến, nhìn lại cuộc đời mình với dằn vặt, hoài nghi.

 

Trần Dần và Nguyễn Minh Châu là hai trong nhiều thí dụ về tính phức tạp của văn học Việt Nam đương đại. Những số phận nghệ sĩ này buộc người ta bỏ cách dẫn giải dễ dãi. Hoặc coi đó là một thứ văn chương gồm toàn những tác giả thụ động trước bộ máy kiểm duyệt. Hoặc coi đó là một nền văn học với một vạch ngăn đôi rõ ràng : một bên là cách tân, bên kia là bảo thủ, không ai có quyền vượt sân. Trên thực tế, nhiều chuyển động, đôi khi bộc lộ như một đột phá, nhưng bên trong lại diễn ra rất chậm, có tiến, có lùi, có thỏa hiệp nhưng cũng có đương đầu.

 

Văn học hậu cách mạng là một trong hai nội dung quan trọng của cuốn sách. Theo chị văn học thời kì này có điểm gì đặc sắc, khác biệt với văn học của giai đoạn trước?

 

Đó là cách các nhà văn thể hiện chiến tranh qua cơ thể. Với Người sót lại của Rừng Cười , lần đầu tiên văn học đặt câu hỏi về cuộc sống tâm lý và tình dục, với ham muốn, dồn nén, cuồng loạn của các nữ thanh niên Trường Sơn. Tác phẩm của Võ Thị Hảo tràn ngập những cơ thể nữ trần truồng, chết chóc, điên dại. Trong Trận gió màu xanh rêu, làng Đẽo gồm toàn những bà goá của chiến tranh. Thay vì yêu đương và sinh nở, họ đẽo những tảng đá mộ "khum khum hình người. Trong truyện ngắn Võ Thị Hảo, chiến tranh giết chết những người lính trẻ, nhưng khủng khiếp hơn, nó phá huỷ thân thể người nữ, tượng trưng nguồn sống và tương lai loài người.

 

Trong tác phẩm của Nguyễn Minh Châu, người phụ nữ  khao khát bảo tồn cuộc sống, và qua những đứa con, trả lại cuộc sống cho người đã chết. Vì vậy mà nhân vật nữ của “Cỏ Lau” tên là Thai? “Bến không chồng” của Dương Hướng tả những người đàn bà chờ chồng và người yêu ra trận. Họ chấp nhận tất cả - ngoại tình, loạn luân, làm điếm - để thực hiện ước mơ làm mẹ, để chống lại cái chết, sự tàn phá của chiến tranh. Trong“Hai người đàn bà xóm trại” của Nguyễn Quang Thiều, hai chinh phụ trẻ chờ chồng. Thiên hướng làm vợ và làm mẹ đôi lần kéo họ đến bên bờ vực của ngoại tình. Cuối truyện, hai thiếu phụ ngày xưa bây giờ là hai bà lão, nhưng họ vẫn đợi, đợi trong tiếng mọt vọng ra từ hai cỗ áo quan dành cho họ.

 

Qua khái niệm “cơ thể”, tôi cũng muốn nói đến một nền văn học chiến tranh được viết bằng cái “tôi”. Chính thời kỳ này văn học Việt có những chuyển động về thể loại, đi từ “cuộc chiến của chúng ta” đến “cuộc chiến của tôi”. Trong “Nỗi buồn chiến tranh”, nhân vật chính ao ước viết cuốn tiểu thuyết đầu tay, kể về cuộc chiến đã qua, "cuộc chiến của riêng anh". Và Bảo Ninh làm một lựa chọn văn học độc đáo: ngay cả khi kể ở ngôi thứ ba, sự việc luôn được nhìn qua con mắt của nhân vật chính. Từ những cảm giác, hoang tưởng của Kiên, hiện lên một vũ trụ chiến tranh u uẩn ngột ngạt. Để cái nhìn chủ quan hơn, “Nỗi buồn chiến tranh” được viết nhiều trang ở ngôi thứ nhất, trình bầy như trích đoạn bản thảo của Kiên. Khi xưng "tôi', Kiên thuyết phục hơn: với độc giả, anh chính là người đã trải nghiệm và bây giờ làm chứng cho những sự kiện bi thảm mà họ đang đọc. Gấp tiểu thuyết lại, có lẽ ai cũng tự hỏi: " Cuốn sách ta vừa đọc có phải là tự truyện của Bảo Ninh ?”

 

Chính khoảng cách thu hẹp giữa hư cấu và tự truyện làm nên cái độc đáo của “Nỗi buồn chiến tranh”. Khoảng cách đó, “Nhật Ký Đặng Thùy Trâm” sẽ vô tình xóa bỏ. Đúng hơn, với sự ra đời của cuốn sách này, lần đầu tiên văn học Việt Nam có một nhật ký thật, trong đó cái “tôi” là chủ đề lớn nhất. Đặng Thùy Trâm đã biến những “trang sổ nhỏ” thành nơi thí nghiệm cái “tôi”, khảo sát, thậm chí hư cấu những cái “tôi” mới. Tác giả nói về mình như nói về kẻ khác: “Đêm nay, bên ngọn đèn khuya Th. ngồi trầm ngâm suy nghĩ”. Đôi lúc trong một đoạn ngắn, Đặng Thuỳ Trâm sử dụng cả ba ngôi để nói với mình và nói về mình: “Giữa mùa khô 67 mình đã đi vững vàng và ở đây giữa trăm nghìn thử thách với một đứa tiểu tư sản, một cô bác sĩ mới rời ghế nhà trường(…) Mong Thuỳ hãy phát huy ưu điểm…”.

 

Nếu khó có thể gọi “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” là một kiệt tác, phải thừa nhận rằng việc xuất bản nó đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong thể loại văn học viết về bản thân (gồm tự truyện, hồi ký, nhật ký, thư riêng…). Dường như nó đã chính thức hóa một hình thức non trẻ mà ngôn ngữ Việt đến hôm nay còn vẫn nợ một thuật ngữ : “tự sự” chỉ là chiếc áo mặc nhờ! Không phải là ngẫu nhiên nếu sau nó, một loạt tự truyện xuất hiện, từ “Lê Vân, yêu và sống” đến “Bóng”. Dẫu chỉ là “tự truyện second hand” vì có người chấp bút, thì đó cũng là những bước tiến không nhỏ trên hành trình của văn học viết về bản thân.

 

Như vậy, vô hình chung, đề tài chiến tranh lại là nơi mà cái “tôi” được thể nghiệm nhiều nhất. Mặt khác, các tác phẩm này chứng minh rằng là tự truyện và nhật ký là thể loại văn học lý tưởng cho phép tả lại chân thành nhất những kinh nghiệm của thời đại. Văn học phải chăng là cách viết lịch sử từ những góc riêng tư nhất của cái “tôi” ? 

 

Có thể nói, đời sống văn học nghệ thuật trong nước kể từ sau năm 1986 có những bước chuyển mạnh mẽ. Một không khí đổi mới diễn ra sôi nổi và quyết liệt. Nếu “đề tài chiến tranh lại là nơi mà cái “tôi” được thể nghiệm nhiều nhất” như chị vừa phân tích thì cũng không thể không bàn đến cái “tôi” của mảng văn học “viết Việt Nam trong hòa bình”. Tôi rất muốn nghe những ý kiến đánh giá của chị?

 

Nhà văn có nhiều công phá nhất là Nguyễn Huy Thiệp. "Tướng về hưu" được viết ở ngôi thứ nhất: mọi sự việc, nhân vật (ngay cả ông tướng) đều được mô tả dưới một góc nhìn duy nhất, thông qua cái “tôi” của người con trai. Và cái “tôi” đó không đơn giản chút nào : không cá tính, không chân lý, dường như hờ hững, nó là một lời xét đoán nghiệt ngã về thế hệ tham chiến. Hơn thế nữa, tác giả biến sự ra đi của người cha thành cơ hội cầm bút của người con. Viết để kết thúc với cuộc chiến (của người cha). Viết để được nói “tôi”. Đó chính là thông điệp của “Tướng về hưu” ?

 

Cái “tôi” hậu chiến đó có lẽ là khởi điểm của cái “tôi” ngày Mở Cửa của thế hệ lớn lên sau chiến tranh. Trong “Trí nhớ suy tàn”, Nguyễn Bình Phương cho nhân vật chính-người kể chuyện xưng “em”. Cái “em” lấp lửng giữa ba ngôi giảm đi cái “tôi-là-trung-tâm-vũ-trụ”. “Cơ hội của Chúa” gồm nhiều trích đoạn nhật ký của bốn nhân vật chính, để các sự việc được nhìn ở nhiều góc độ khác nhau. Các thông tin bổ sung nhau, nhiều khi đối lập nhau. Qua đó, Nguyễn Việt Hà phá bỏ lối diễn đạt thời gian đơn chiều. Không gian cũng chỉ là những địa điểm xếp cạnh nhau không theo quy luật. Nguyễn Việt Hà thể hiện một thế giới không khép mà mở, không xác thực mà đầy bất ổn như nhân vật chính đã viết : "Chân lý là khái niệm cực đoan. Một khái niệm rỗng, đúng với người này và sai với người kia".

 

Sau này, những cái “tôi” của Thuận ngày càng ít cái mà văn học vẫn gọi là “chiều sâu nội tâm”. Viết ở ngôi thứ nhất, theo thông lệ, “Chinatown” lẽ ra phải là nơi nhân vật chính tự phân tích, soi rọi những ám ảnh thầm kín nhất. Nhưng tác giả đã làm ngược lai: khôi phục cho tình cảm khoảng tối trong nó. Đọc “Chinatown”, những đoạn nhân vật chạm đến cuộc sống nội tâm, người ta thường gặp những câu treo lơ lửng: “Tôi lên thư viện tôi hỏi Freud. Hai bảy tuổi có phải là quá chậm. Ba mươi chín tuổi có phải là quá chậm”.

 

Như vậy, văn Việt hôm nay là cuộc phiêu lưu của những cái “tôi” không thuần nhất, ngày càng phi tâm lý, phi nhân cách.

 

Lời kết của cuốn sách không khép mà mở, với lời giới thiệu đầy hy vọng về thế hệ 8X. Một thế hệ mới với một cách nhìn mới ra sao, thưa chị?

 

 “Chuyện lan man đầu thế kỷ” của Vũ Phương Nghi, có thể được coi là tác phẩm hoài bão của thế hệ 8X qua những câu hỏi về cuộc sống xã hội, tình dục của những “công dân mạng”. Đặc biệt, tiểu thuyết dường như bộc lộ sự kinh ngạc của Vũ Phương Nghi, với tư cách là nhà văn, trước tiềm năng của kỹ nghệ số. Làm thế nào để cạnh tranh được với Internet trong khả năng tái tạo hình ảnh, cảm xúc, âm thanh ? Nhà văn nào có thể phân thân độc giả như Internet đang phân thân các công dân mạng ? Văn học có thể tạo dựng một thế giới ngày càng ảo trong đó chúng ta đang sống ? 8X là thế hệ của Internet. Với họ, Internet vừa là một công cụ làm việc, vừa là đề tài và chất liệu viết. Tôi muốn nói đến sự xuất hiện của một nền văn học mạng, tuy manh nha nhưng đầy hứa hẹn. Cái “tôi” trên blog ngày hôm nay khác xa với cái “tôi” trong nhật ký chiến tranh ngày hôm qua. Như vậy nếu cuốn sách đã bắt đầu với những tìm kiếm về chủ đề, thì trong quá trình phát triển, nó dường như bị lôi kéo bởi những sáng tạo hình thức. Nhưng đó là điều tất yếu thôi : mọi chuyển đổi nội dung đều dẫn đến những biến thiên dạng thể. Không thể nào mà rượu mới bình cũ được !

 

Vâng, như chị đã nói ngay từ đầu, đây không phải là một cuốn văn học sử, song những vấn đề chị đặt ra trong cuốn sách lần này rất có ý nghĩa với giới nghiên cứu phê bình văn học nói riêng và bạn đọc nói chung. Điều quan trọng nữa mà chúng ta không thể không nhắc tới, đó là cuốn sách được xuất bản tại Pháp, sẽ là một cầu nối quan trọng, giúp công chúng Pháp có cái nhìn gần gũi hơn với văn học Việt Nam.  Xin chờ đợi chị ở những công trình tiếp theo. Chúc chị thành công.

 

 

 

Nguồn: Văn nghệ Trẻ

 

Các bài khác:
· VÀI Ý NGHĨ NHÂN HỘI THẢO VỀ TỐ HỮU
· “BẮT MẠCH” THƠ VIỆT NAM HIỆN NAY
· TRUYỆN NGẮN 8X PLUS VÀ SẮC THÁI NỮ QUYỀN
· NGÃ DU TỬ - NHỮNG VẦN THƠ 'SẮC SẮC KHÔNG KHÔNG'
· THANH THẢO VÀ NHỮNG QUAN NIỆM VỀ THƠ
· TẾ HANH - 'CÁNH BUỒM VÔI' ĐI QUA THẾ KỶ
· ĐỌC LẠI TỐ HỮU
· TÔI VIẾT BÀI THƠ 'EM ƠI! HÀ NỘI PHỐ'
· SỐ PHẬN LỊCH SỬ CỦA NỀN LÝ LUẬN VH XÔ VIẾT CHÍNH THỐNG
· MÙA XUÂN CHÍN – MỘT NỐT THĂNG TRONG BẢN NHẠC LÒNG THI SĨ
· VĂN CHƯƠNG MẤT MÙA HAY NIỀM TIN ĐỔ VỠ?
· BÁO ĐỘNG VỀ ĐẠI DỊCH THƠ: GÌ MÀ PHẢI UM SÙM LÊN THẾ?
· 'NHỚ ĐẾN MỘT NGƯỜI: NGUYỄN HIẾN LÊ
· CHÙM THƠ 1.000 THĂNG LONG - HÀ NỘI CỦA NGUYỄN NGỌC HƯNG
· HƯƠNG TRÀ - CHẢNG GIẢNG VIÊN TOÁN LÀM THƠ
· CÕI THƠ
· NGUYỄN HOÀNG SƠN TRONG HOÀNG HÔN LẶNG LẼ
· ÔNG TƯỞNG, ÔNG MAI - CHUYỆN BÂY GIỜ MỚI KỂ
· KHÔNG ĐỂ GIÁ TRỊ ẢO LẤN ÁT GIÁ TRỊ THẬT
· VĂN HỌC VIỆT NAM, SAO VẪN CHƯA TRƯỞNG THÀNH?

 

  
Gia đình Bích Khê