DIỄN ĐÀN VĂN NGHỆ
 
VĂN CHƯƠNG MẤT MÙA HAY NIỀM TIN ĐỔ VỠ?

Văn trẻ hôm nay tuy cũng có những cái để đọc, những điều để nghĩ, nhưng có lẽ người ta chỉ nghĩ đến khía cạnh quẫy đạp về suy tư, phóng túng quá mức, theo kiểu bặm trợn, huỵch toẹt trong ngôn ngữ và cách diễn đạt. Nhìn từ một khía cạnh nào đó, không ít người cho rằng văn trẻ đang cố gắng thể hiện mình như là đối trọng của giai đoạn văn chương trước đó, chứ ít ai nghĩ đến các giá trị thực của bản thân văn chương thế hệ 8x - 9x. Cùng lắm văn trẻ trong quãng 10 năm trở lại đây chỉ là sự trưng diện một tấm áo mới, còn hồn cốt của người mặc áo chưa có đổi thay là bao. Họ chưa hề có gì đáng để công chúng cần phải suy tư về giá trị thực của cuộc sống và con người. Một số người có ý định bứt phá nhưng xem ra bút lực hãy còn non nớt nên chỉ có thể sản sinh ra những bán thành phẩm văn chương, thậm chí là sinh ra những quái thai văn chương mà không ít người ngộ nhận rằng đấy là những tác phẩm văn chương đích thực, có giá trị. Một trong những quái thai văn chương ấy là những cuốn sách mà các cụ nhà ta ngày xưa gọi là "dâm thư" được sản xuất vô tội vạ.





VĂN CHƯƠNG MẤT MÙA

NGUYỄN BẢO TÂM

Đời sống văn chương nước nhà trong khoảng vài thập niên trở lại đây có quá nhiều chuyện để nói, nhiều cái để bàn. Văn chương không chỉ làm nhiệm vụ phản ánh sự nóng lạnh của thị trường, mà đích thị nó là chiếc "hàn thử biểu" khá tinh nhạy, là công cụ kiểm chứng thị trường đó, cái mà nó trực tiếp tham gia, góp phần làm cho thị trường nóng lên hay nguội đi ở những thời điểm khác nhau.

Văn chương từ sau đổi mới

Văn chương thời kỳ hậu đánh Mỹ nước ta có nhiều khuynh hướng, nhiều phương cách tiếp cận cuộc sống mới mẻ với nhiều trường phái, trào lưu và sự xâm thực của văn chương ngoại theo đà của kinh tế thị trường và cơn bão tiếp biến văn hóa đa chiều, đa cực theo xu hướng hội nhập, cạnh tranh gay gắt trên nhiều bình diện khác nhau. Trước một thị trường đời sống văn chương rối như canh hẹ gồm cả những chồi non mới nhú báo hiệu một mùa bội thu cùng rác thải đủ loại gây độc hại cho môi trường văn hóa thì công chúng cần phải xem xét, chọn lọc phân biệt đâu là giá trị thực và đâu là giá trị ảo. Thái độ ấy đúng và rất cần đối với độc giả văn chương hôm nay.

Một số người tiêu biểu cho giai đoạn văn chương hậu đánh Mỹ là Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Nguyễn Khắc Trường, Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, Y Ban, Dạ Ngân, Võ Thị Xuân Hà, Võ Thị Hảo... đã tạo lập được một lối kể chuyện riêng ở một vài mảng đề tài với một vài thể loại. Còn một số cây bút khác tuy đã gây được vài tiếng nổ đì đẹt trong dư luận một thời nhưng xem ra bút lực cũng đã suy giảm. Có lẽ, phần họ thấy không cần phải đua chen với ai trên con đường văn nghiệp, phần nghĩ rằng chắc lộc trời cũng chỉ ban cho mình đến thế, phần vì cảm thấy sự nhạt nhẽo của sự xô bồ trên xới văn nước nhà... Không biết có phải tất cả những thứ ấy đã làm cho họ mất hứng khởi sáng tạo hay không?

Nhưng công bằng mà nói, những cây bút xuất hiện và khẳng định tên tuổi mình vào những năm 80 - 90 của thế kỷ trước có những khám phá, sáng tạo trong suy tư trước những vấn đề bức xúc về sự đổi thay các giá trị đạo đức và nhân cách của một bộ phận trong xã hội, cùng với lối diễn đạt mạnh bạo, họ đã tạo lập được giá trị tư tưởng và thẩm mỹ nhất định cho tác phẩm, được công chúng đón nhận khá nhiệt tình, tạo được tiếng vang trong dư luận.

Tuy nhiên, có thể vì nhiều lý do chủ quan và khách quan khác nhau, trong khi công chúng vẫn đang háo hức đón chờ những tiếng vang tiếp theo thì không ít văn nhân đã nhanh chóng vội "bỏ dùi, chui tọt vào trống" từ bao giờ. Trên thế gian này không một ai sinh ra để "đánh trống" suốt đời được. Công chúng muốn được nghe "trống" thì phải biết cách nuôi dưỡng người "đánh trống". Chính xác hơn là để có những tác phẩm văn chương đọc được thì phải xây dựng đội ngũ những người cầm bút chuyên nghiệp. Đấy là trách nhiệm của toàn cộng đồng, xã hội, nhưng trước hết là của hội nghề nghiệp, phải tìm cách nào đấy để có đội ngũ nhà văn chuyên nghiệp có thể sống được bằng văn chương, chứ không phải lo làm báo, viết tiểu thuyết "ba xu" hay làm công chức, giữ công quyền.

Và văn chương 8x - 9x

Đến thế hệ tiếp theo, Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Bích Thúy, Đỗ Thị Hoàng Diệu, Vi Thùy Linh, Phan Thị Huyền Thư... đều có những đóng góp nhất định vào diện mạo đời sống văn chương nước nhà khoảng chục năm trở lại đây. Chủ yếu những tác giả thế hệ này mới chỉ là những nét bút chì mềm loại "2B, 3B, 4B" phác ra trên con đường văn chương vốn chẳng êm ả bao giờ. Trong số họ, nhiều người ngây thơ và hồn nhiên đến mức xuất phát từ nhà mình ra đi, đi, đi mãi rồi lại trở về... nhà mình lúc nào không biết, mà cứ tưởng đang đi trên một đại lộ văn chương vĩ đại và chuẩn bị đột nhập vào ngôi đền thiêng ở một "xứ sở diệu kỳ" nào đấy. Kể ra như vậy cũng vui, nhưng mà đau! Hay lặp lại mình, cũng là một thể nghiệm? Có trời mà biết! Thi thoảng lại có bác nhà văn nào đấy liều mạng vẽ ra một viễn cảnh huy hoàng đến chói lóa, một bức tranh hoành tráng đến rợn ngợp rằng: Giải Nobel văn học Việt Nam sao lại không? Nhiều người đồ rằng, bác này đích thị có vấn đề về IC.

Văn trẻ hôm nay tuy cũng có những cái để đọc, những điều để nghĩ, nhưng có lẽ người ta chỉ nghĩ đến khía cạnh quẫy đạp về suy tư, phóng túng quá mức, theo kiểu bặm trợn, huỵch toẹt trong ngôn ngữ và cách diễn đạt. Nhìn từ một khía cạnh nào đó, không ít người cho rằng văn trẻ đang cố gắng thể hiện mình như là đối trọng của giai đoạn văn chương trước đó, chứ ít ai nghĩ đến các giá trị thực của bản thân văn chương thế hệ 8x - 9x. Cùng lắm văn trẻ trong quãng 10 năm trở lại đây chỉ là sự trưng diện một tấm áo mới, còn hồn cốt của người mặc áo chưa có đổi thay là bao. Họ chưa hề có gì đáng để công chúng cần phải suy tư về giá trị thực của cuộc sống và con người. Một số người có ý định bứt phá nhưng xem ra bút lực hãy còn non nớt nên chỉ có thể sản sinh ra những bán thành phẩm văn chương, thậm chí là sinh ra những quái thai văn chương mà không ít người ngộ nhận rằng đấy là những tác phẩm văn chương đích thực, có giá trị. Một trong những quái thai văn chương ấy là những cuốn sách mà các cụ nhà ta ngày xưa gọi là "dâm thư" được sản xuất vô tội vạ.

Có thể nói, văn chương nước nhà hiện nay phần lớn đang rơi vào tình trạng "công chức hóa", "hành chính hóa". Nhà văn viết tác phẩm theo kiểu anh công chức làm công ăn lương, cốt sao cho hoàn thành nhiệm vụ cơ quan, đơn vị giao. Nói cách khác, phần lớn nhà văn của ta là những công chức cầm bút viết văn chứ không nhiều người được viết bằng khối óc và trái tim của người nghệ sĩ. Những nhà văn "công dân" cùng lắm cũng chỉ có thể viết nên những tác phẩm văn chương phục vụ phong trào, chiến dịch như thời xây dựng hợp tác xã ở miền Bắc trước đây. Nhìn lại một cách thật sự nghiêm túc, thử hỏi đến nay có bao nhiêu tác phẩm văn chương viết về phong trào hợp tác xã trước đây có giá trị đích thực và còn đọng lại trong lòng công chúng?


Nguồn: Báo Sức Khỏe Đời Sống, Lethieunhon.com

 

Các bài khác:
· BÁO ĐỘNG VỀ ĐẠI DỊCH THƠ: GÌ MÀ PHẢI UM SÙM LÊN THẾ?
· 'NHỚ ĐẾN MỘT NGƯỜI: NGUYỄN HIẾN LÊ
· CHÙM THƠ 1.000 THĂNG LONG - HÀ NỘI CỦA NGUYỄN NGỌC HƯNG
· HƯƠNG TRÀ - CHẢNG GIẢNG VIÊN TOÁN LÀM THƠ
· CÕI THƠ
· NGUYỄN HOÀNG SƠN TRONG HOÀNG HÔN LẶNG LẼ
· ÔNG TƯỞNG, ÔNG MAI - CHUYỆN BÂY GIỜ MỚI KỂ
· KHÔNG ĐỂ GIÁ TRỊ ẢO LẤN ÁT GIÁ TRỊ THẬT
· VĂN HỌC VIỆT NAM, SAO VẪN CHƯA TRƯỞNG THÀNH?
· NHÀ VĂN TRẦN CHIẾN - NGƯỜI HIỀN Ở PHỐ LÃN ÔNG
· Ý KIẾN CHƯA PHÁT BIỂU TẠI HỘI THẢO VỀ NGUYỄN HUY TƯỞNG
· NHẬP CUỘC VỀ HƯỚNG MỞ
· LÝ THUYẾT TRÒ CHƠI
· THƠ TRÊN MÁY ĐIỆN THOẠI CỦA TRẦN ĐĂNG TUẤN
· TÔ HOÀI - Ở MỘT GÓC NHÌN KHÁC
· LÃNG THANH - NẮNG NGANG CHỪNG, MÂY TỚI QUÃNG, KHÓI VỪA HƯƠNG
· NHỮNG CHUYỆN BÊN NGOÀI ĐẠI HỘI MÀ CÁC NHÀ VĂN KHÔNG BIẾT
· HẠNH PHÚC TRONG TÁC PHẨM CỦA NHẤT LINH
· VĂN NGHỆ SĨ RA TRẬN TRONG CHIẾN DỊCH BIÊN GIỚI (1950)
· 'CÚI LẠY MẸ CON TRỞ VỀ KINH BẮC'

 

  
Gia đình Bích Khê